Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

NGƯỢC CHIỀU VUN VÚT VÀ TRƯỜNG HỢP CỦA JOE

 Không phải đến năm 2012 khi Ngược chiều vun vút trở thành 1 trong 10 tựa sách bán chạy nhất ở Hội sách TP.HCM lần 7, mà từ cách đây 4 năm, khi Tớ là Dâu ra đời, Joe đã trở thành một hiện tượng.
Gọi là “hiện tượng”, vì thật ra, người nước ngoài thân thuộc, gắn bó với Việt Nam không ít, , thậm chí kết hôn với người Việt, làm việc ở Việt Nam như làm đầu bếp, làm ca sĩ, hát bằng tiếng Việt, đặt tên Việt cho mình… nhưng mức độ nổi tiếng như Joe thì hơi bị hiếm.
Joe nổi tiếng từ khi lập blog 360, viết bằng tiếng Việt. Lập tức những bài tạp văn của Joe được giới trẻ Việt Nam yêu thích, số lượng friendS (kết bạn) và số lượng comment (nhận xét) rất cao, Joe trở thành một trong những blogger (người viết blog) nổi tiếng. Rồi con đường tiếp theo đó, giống như Hà Kin, Trang Hạ… những bài tạp văn đó của Joe được in thành cuốn Tớ là Dâu. Joe xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng, được mời cộng tác ở một số chuyên mục của báo viết, báo hình…và chính thức bước vào giới showbiz Việt.
Hiện tượng này đặt ra trong tôi, một người nghiên cứu văn học, và một số người khác, sự phân vân về điều lâu nay mình vẫn xác tín, của những khái niệm như “văn học dân tộc”, “văn học thế giới”, “văn học di dân”…
Theo một quan điểm của Nguyễn Hưng Quốc, mà thú thật là tôi cũng khá đồng tình, đó là văn học thế giới ngày nay đang xích lại gần nhau, khái niệm quốc gia, lãnh thổ đang từ từ mở rộng và thậm chí biến mất, Nguyễn Hưng Quốc gọi là “giải lãnh thổ hóa”, còn tôi gọi là “phi trung tâm hóa” (Xem thêm bài: Văn học di dân Việt Nam trong bối cảnh Văn học di dân Đông Á tại Hoa Kỳ của tôi, trên TC Nghiên cứu văn học số 2/2012). Di dân ngày nay, không chỉ là những người ra đi trong tình trạng cưỡng bức hoặc bất mãn, mà còn là những trường hợp tự nguyện ra đi, vui vẻ ra đi vì hoàn cảnh sống, vì công việc, vì kết hôn, vì sở thích… những quan hệ xuyên quốc gia ngày nay đã trở nên phổ biến, chuyện du lịch, làm việc, định cư tại một nước khác không còn là chuyện xa lạ hay thiểu số để trở thành một đề tài đắm đuối. Sáng tác xuyên quốc gia của những nhà văn Việt Nam như Lí Lan, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Việt Linh, Đỗ Hoàng Diệu, Phan Việt, Dương Thuỵ, Ngô Thị Giáng Uyên… (Việt Nam), Lư Tân Hoa, Trương Duyệt Nhiên, Quách Tiểu Lộ, Hồng Ảnh… (Trung Quốc), H.Murakami… (Nhật)… là những ví dụ cho thấy khái niệm “văn học di dân” ngày nay mang tính chất toàn cầu và được hiểu với một biên độ rất rộng.
Dòng văn chương di dân, trong bối cảnh di dân đương đại do đó ít than vãn hơn. Những mô tả về những người ở quê hương không nằm trong quá khứ mà thường là những tiến trình đang xảy ra, vì những quan hệ xuyên quốc gia vẫn tiếp diễn, nếu không muốn nói chúng đã biến thành kinh nghiệm phổ quát của đa số con người trên mặt đất ở thế kỷ chúng ta.
Theo Seiwoong Oh trong cuốn Encyclopedia of Asian-American literature, Infobase Publishing 2007, khi thống kê những nhà văn di dân châu Á sống ở Mỹ, ông liệt kê cả những nhà văn đến Mỹ du lịch, sinh sống trong một thời gian ngắn mà có viết về văn hóa nước Mỹ trong tâm thế so sánh với văn hóa quê gốc của họ. Những nhà văn di dân luôn ở trong trạng thái phân vân mà Đào Trung Đạo gọi là “vô xứ”/ “hữu xứ”. họ vừa thuộc về/ không thuộc về hai nơi: quê gốc của họ và nơi họ đang sinh sống.
Dài dòng như vậy để trở về trường hợp của Joe Ruelle, một công dân Canada đã sống ở Việt Nam gần 10 năm nay. Đã học tiếng Việt, viết tiếng Việt thuần thục, đã có hai đầu sách thuộc hàng best-selling tại Việt Nam là Tớ là DâuNgược chiều vun vút mà tôi đã đề cập ở trên.
Nếu hiểu văn học theo một nghĩa rộng và dễ tính, thì chắc có thể gọi Joe là nhà văn. Vậy gọi Joe là nhà văn nước nào? Nhà văn Canada hay nhà văn Việt Nam?
Nhà văn Canada thì chắc không phải, vì Joe chưa viết và xuất bản một tác phẩm nào bằng tiếng Anh /Pháp ở Canada cả.
Gọi là nhà văn Việt Nam? Vì Joe viết bằng tiếng Việt, về những vấn đề của người Việt, đất Việt và in ở Việt Nam. Nhưng anh ta là người Canada, và dù khá hiểu Việt Nam, dù ăn mắm tôm, lòng lợn (và có thể cả thịt chó) hơn cả nhiều người Việt Nam, chạy xe máy (Vespa) như làm xiếc ở Hà Nội… Joe vẫn có tâm thế của một người nước ngoài nhìn Việt Nam với con mắt của một nhà khảo cứu, chứ không phải tâm thế của một kẻ viết về nơi mình thuộc về…
Báo Tuổi Trẻ nhận xét: Ở hầu hết trong 70 câu chuyện của Joe, người đọc Việt Nam thấy lấp lánh một tinh thần công dân… Việt.
Lê Hoàng nhận xét (vô thưởng vô phạt): Một chàng Tây viết hay hơn ta. Hay hơn “ta” là “ta” nào? Joe có thể viết hay hơn tôi, hơn bạn nhưng nếu so với Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư và hàng lô hàng lốc nhà văn khác như Bùi Anh Tấn, Nguyễn Quang Lập… thì tầm cỡ Joe không thể so sánh được!
Mặc dù Joe viết về Việt Nam, những vấn đề rất Việt Nam, từ chuyện văn phong chat chit ngày nay của giới trẻ, chuyện ăn uống vỉa hè Hà Nội, chuyện giao thông Việt Nam, giới showbiz Việt, những thói xấu của dân văn phòng (sính ăn hàng, sính xài đồ hiệu, sính dung ngoại ngữ…)…với một thứ ngôn ngữ Việt Nam rất chuẩn ngữ pháp, chuẩn về độ chính xác của từ nhưng cảm giác mà chúng ta dễ nhận ra, Joe không phải là người Việt Nam là ở lối lập luận luôn luôn so sánh, luôn luôn ở thế của người nước ngoài nhìn Việt Nam, một out-sider. Và rõ hơn, là ở văn phong sắc sảo, hóm hỉnh, logic của một người phương Tây. Cách Joe luôn xuất hiện ở hội sách, không đồng ý với NXB Nhã Nam ký trước vào sách của mình, mà vui vẻ đứng, ký tên cho người hâm mộ một cách chậm rãi, hưởng thụ, nhẹ nhàng mặc kệ cho hàng người dài dằng dặc kiên nhẫn đứng chờ (tôi không kiên nhẫn được vậy, tôi chỉ quan sát). Ai, Joe cũng hỏi tên, ghi tên vào sách, chụp hình, rất ân cần, rất chuyên chú. Tác phong trân trọng độc giả đó, không phải là của người Việt Nam! (Xin lỗi nếu có đụng chạm!)
Trường hợp của Joe nhắc tôi nhớ đến một trường hợp tương đồng, nhà văn trẻ Việt Nam chính cống, Dương Thụy, cũng là người có cuốn Cung đường vàng nắng nằm trong số 10 đầu sách bán chạy nhất Hội sách kỳ này, là tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết và truyện ngắn khác như Oxford yêu thương, Venice và những cuộc tình Gondola, Nhắm mắt thấy Paris… đều là những tác phẩm chị viết về những quốc gia khác ngoài Việt Nam mà chị đã quan sát trong quá trình sống và làm việc ở đó. Dương Thụy cũng viết với một tâm thức người Việt Nam, đi, nhìn, và viết. Vậy Joe có khác gì Dương Thụy? và nếu tôi gọi Dương Thụy và tác phẩm của cô là văn học di dân, là một phần của văn học Việt Nam, thì Joe, có nên gọi anh là nhà văn Việt Nam?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét